Roda yêu thương

This entry was posted in Bài viết on by .

“… Cùng chung vui Roda, chung câu hát tiếng ca, uống chung một dòng sông,  dòng nước mát Cửu Long. Cho thêm nồng tình yêu thương, làng Chăm bên xóm Kinh, hai dân tộc một miền quê, vui đón Roda về…”

Cộng đồng dân tộc Chăm ở Khánh Bình, Bắc Đai, Quốc Thái, Vĩnh Trường, Đa Phước (An Phú), Châu Phong (Tân Châu), Phú Hiệp (Phú Tân), Khánh Hòa (Châu Phú), Kênh Đào – Vĩnh Hanh (Châu Thành) và Mỹ Long (thành phố Long Xuyên) đang vào Tháng Ramadan (tháng chay); sau đó bước sang ngày lễ Roda – Tết cổ truyền, hay còn gọi là mừng năm mới (theo lịch Hồi giáo) hoặc Tết chịu tuổi. Có thể nói, đây là lễ, Tết lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang. Tháng chay không phải… ăn chay, mà là nhịn ăn ban ngày (từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều), nam và nữ tuổi từ 15 trở lên đều phải chấp hành, chỉ trừ trẻ con và người cao tuổi, đau yếu… Thông qua “Tháng chay” còn là cuộc tập dượt làm quen, đồng cảm với những người nghèo khổ, để yêu thương nhau nhiều hơn.
Theo thông lệ, chuẩn bị bước vào ngày lễ Roda, tất cả gia đình đồng bào dân tộc Chăm đều có đóng góp tiền, vật chất để Ban Giáo cả các Thánh đường điều hòa và tổ chức phân phối cho đối tượng khó khăn, nghèo khổ. Do vậy, đối với đồng bào dân tộc Chăm không có người đi ăn xin, là nhờ vào khoản đóng góp này. Ông Lâm Thanh Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy An Phú cho biết, ngoài tính nghi lễ, tập quán cổ truyền thì Tháng Ramadan còn có ý nghĩa rất đặc biệt, mang tính nhân văn sâu sắc. Đồng bào dân tộc Chăm gọi lễ “Roda yêu thương” là ở chỗ đó, bởi Tháng Ramadan đi liền với lễ Roda. “Xuất phát từ thực tế, bằng tình cảm của mình, tôi đã viết nên ca khúc Roda yêu thương. Không ngờ lại được sự ủng hộ của nhiều người, nhất là trong cộng đồng dân tộc Chăm, gần như ai cũng biết và thuộc bài hát này”. – ông Lâm Thanh Bình tâm tình.
Năm 2001, An Phú tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc (mở rộng các tỉnh) để chào mừng kỷ niệm 10 năm tái lập huyện. Bài hát “Roda yêu thương” của tác giả Lâm Thanh Bình đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) và đây là bài hát hay nhất viết về đồng bào dân tộc Chăm, nói lên tình đoàn kết 2 dân tộc Chăm và Kinh ở vùng đầu nguồn ĐBSCL. “Roda yêu thương” được truyền tay đi khắp nơi, dự liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực; được giới học sinh, sinh viên An Giang và Cần Thơ yêu thích và nó trở thành tiết mục nòng cốt của các đội văn nghệ xóm Chăm.
Phó Giáo cả Thánh đường Hồi giáo ở Kênh Đào (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành), ông Ka Riêm đã nhiều lần nói với chúng tôi, thanh niên ở xứ này rất đoàn kết và hòa thuận; nhờ phong trào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và TDTT mà anh em gần gũi, thông cảm và hiểu biết nhau nhiều hơn. Đời sống đồng bào dân tộc Chăm ở Kênh Đào đã sung túc, đường sá nâng cấp, có điện thắp sáng và nước sạch sinh hoạt, con em đồng bào dân tộc Chăm cùng ngồi chung và học chung một trường với người Kinh. “Đó là tình yêu thương, đoàn kết của anh em người Kinh và dân tộc Chăm, dưới sự dẫn dắt của Đảng và Bác Hồ” – ông Ka Riêm nghĩ vậy.
Thực tế cho thấy, các xóm dân tộc Chăm ở các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú… đã khởi sắc thấy rõ và cộng đồng dân tộc Chăm ngày càng bén rễ tại An Giang.

Bài, ảnh: TRỌNG ÂN

Gửi phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>